Tổng quan Địa tô tư bản chủ nghĩa

Trong quá trình sản xuất, nhà tư bản kinh doanh nông nghiệp phải thuê, mướn ruộng đất của địa chủ và thuê công nhân để tiến hành sản xuất. Do đó nhà tư bản phải trích một phần giá trị thặng dư do công nhân tạo ra để trả cho chủ đất dưới hình thức địa tô. Nhưng giai cấp tư sản vẫn bóc lột người công nhân để tạo ra giá trị thặng dư, một phần sẽ nộp cho địa chủ và phần còn lại, nhà tư bản chiếm không.

Giá cả ruộng đất là hình thức địa tô tư bản hoá. Bởi ruộng đất đem lại địa tô, tức là đem lại một thu nhập ổn định bằng tiền nên nó được xem như một loại tư bản đặc biệt. Còn địa tô chính là lợi tức của tư bản đó. Do vậy giá cả ruộng đất chỉ là giá mua địa tô do ruộng đất mang lại theo tỷ suất lợi tức hiện hành. Nó tỷ lệ thuận với địa tô và tỷ lệ nghịch với tỷ suất lợi tức tư bản gửi vào ngân hàng.

Địa tô tư bản chủ nghĩa có các hình thức là địa tô chênh lệch, địa tô tuyệt đối và địa tô độc quyền.

Địa tô tư bản chủ nghĩa có điểm giống với địa tô phong kiến thông thường đó đều là kết quả của bóc lột đối với người lao động và quyền sở hữu ruộng đất được thực hiện về mặt kinh tế (bóc lột trên cơ sở ruộng đất, gắn với ruộng đất).

Tuy vậy có nó khác ở chỗ địa tô phong kiến phản ánh mối quan hệ đơn thuần giữa hai giai cấp địa chủ và nông dân, trong khi địa tô tư bản chủ nghĩa biểu hiện quan hệ tay ba giữa ba giai cấp trong xã hội là địa chủ, tư bản kinh doanh nông nghiệp và công nhân nông nghiệp. Bên cạnh đó, địa tô phong kiến gồm toàn bộ sản phẩm thặng dư do nông dân tạo ra, đôi khi cả một phần sản phẩm tất yếu. Trong khi địa tô tư bản chủ nghĩa là một phần giá trị thặng dư do công nhân nông nghiệp tạo ra (một phần giá trị thặng dư chuyển thành lợi nhuận cho tư bản công nghiệp).